Mách Mẹ Cách Chuẩn Bị Bữa Sáng Cho Bé Biếng Ăn

  4792

Bé biếng ăn khiến mẹ vô cùng lo lắng nhưng ép bé ăn là điều chắc chắn mẹ không nên làm. Dưới đây là một số gợi ý cho các mẹ về bữa sáng có thể giúp bé "chịu ăn".

Bé biếng ăn khiến mẹ vô cùng lo lắng nhưng ép bé ăn là điều chắc chắn mẹ không nên làm. Dưới đây là một số gợi ý cho các mẹ về bữa sáng có thể giúp bé "chịu ăn".

Trước hết mẹ cần tìm hiểu đúng nguyên nhân khiến cho bé biếng ăn để tìm cách cải thiện tình trạng này một cách hợp lý. Một trong số các nguyên nhân đó có thể là:
- Bé đang trong giai đoạn biếng ăn sinh lý: khi bé đang trong thời kì phát triển kĩ năng và tinh thần (wonder weeks), khi bé đang trong giai đoạn chuyển đổi nếp sinh hoạt (cắt một giấc ngủ ngày, đi học mẫu giáo...)
- Bé bị ép ăn trong một thời gian dài. 
- Bé đang ốm hoặc vừa mới ốm dậy. 
- Bé gặp vấn đề về tâm lý như mẹ mới sinh em bé, chuyển nhà, đi học mẫu giáo....
Khi xử lý các trường hợp biếng ăn của bé, mẹ đừng vì quá lo lắng cho bé mà ép con ăn hay tìm đến các sản phẩm kích thích ăn một cách vội vàng, hướng giải quyết đó chỉ là "đường tắt" giúp cải thiện tâm lý cho mẹ chứ chưa chắc đã "trị" được tận gốc tình trạng của bé. Những bước mẹ nên làm là:
- Nên để bé có cơ hội được đói, được cảm nhận cái đói và chờ đến khi bé tự nguyện đòi ăn. 
- Rèn luyện cho bé một nếp sinh hoạt đều đặn, phù hợp với nhịp sinh học của con ngay từ khi còn sơ sinh là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất giúp mẹ biết rõ khi nào bé rơi vào giai đoạn biếng ăn sinh lý cũng như hỗ trợ cho tất cả các vấn đề về ăn (cũng như ngủ) của bé. 

Những "mẹo" giúp bé hào hứng với bữa sáng: 

Với những em bé dưới 2 tuổi, có thể nhu cầu của bé chỉ dừng lại ở một cốc sữa hoặc một cữ bú mẹ, mẹ hãy tôn trọng bé. Tuy nhiên, nếu mẹ muốn bé làm quen với một bữa sáng đủ chất hoặc muốn cải thiện tình trạng dinh dưỡng của con thì mẹ cũng có thể áp dụng những mẹo này. 
- Mẹo 1: Đối với những bé từ 1 tuổi trở lên: Cai bú đêm. Kể cả việc uống nước ban đêm cũng có thể khiến bé lưng lửng bụng cho đến tận lúc ngủ dậy và không muốn ăn sáng. 
- Mẹo 2: Có một số bé khi tỉnh dậy có cảm giác đắng hoặc khó chịu trong miệng, hãy cho bé uống một chút nước trước khi cho bé ngồi vào bàn ăn sáng. 
- Mẹo 3: Hãy cho bé đánh răng sau khi ăn sáng. Bởi nếu đánh răng trước khi ăn sáng thì vị ngọt của kem đánh răng trẻ em có thể lấn át hết mọi vị khác của thức ăn, khiến bé thấy món ăn thật "nhạt nhẽo". 

- Mẹo 4: Một số bé có đặc điểm tính cách là "chuyển đổi chậm" khiến việc chuyển đổi từ giấc ngủ đêm sang các hoạt động buổi sáng trở nên rất khó khăn với bé, làm bé chống đối với các hoạt động buổi sáng, bao gồm cả bữa ăn. 
Cách giải quyết là hãy nói chuyện với bé về các thủ tục của buổi sáng trước khi bé đi ngủ, sau khi ngủ dậy cho bé có thời gian chuyển tiếp như nằm trên giường một lúc rồi mới dậy, trong thời gian đó hãy nhắc bé về lịch trình của mình. Trước mỗi hoạt động của bé, bao gồm cả ăn sáng hãy thông báo trước bằng cách dùng đồng hồ báo thức hoặc đếm. 
- Mẹo 5: Cho bé cùng tham gia vào việc chuẩn bị bữa sáng với mẹ hoặc bố (ví dụ đổ ngũ cốc và sữa ra cốc/bát, cho trái cây vào máy xay sinh tố). Bé 1.5 tuổi trở đi là đã có thể tham gia giúp bố mẹ. (Muốn vậy cần cho bé đi ngủ sớm, để bé có thể dậy sớm vào buổi sáng). 
- Mẹo 6: Một số bé sáng dậy không muốn ăn sáng ngay, hãy thực hiện một vài động tác "hâm nóng" vào buổi sáng như tập thể dục nhẹ cùng một bản nhạc vui nhộn, sau đó mặc quần áo cho bé và để bữa sáng xuống cuối cùng của lịch trình. 
- Mẹo 7: Hãy cho từng ít một vào bát của bé. Thay vì cho bé ăn một bát đầy ụ, hãy chia nhỏ phần ăn ra để bé không bị "áp lực" với bữa ăn của mình. 

Bữa sáng với súp khoai tây cà rốt sữa. 
- Mẹo 8: Cho bé ăn vào bát to. Với cùng một lượng thức ăn, nếu để vào bát to hơn thì bé sẽ có cảm giác đồ ăn ít hơn và không cảm thấy "sợ" vì phải ăn quá nhiều. Đồng thời cũng hạn chế số bát đĩa bày ra trong bữa sáng, bằng cách chọn những món ăn 3 trong 1 gồm cả ngũ cốc, chất xơ và protein.
 
- Mẹo 9: Sử dụng nguyên liệu đa dạng màu sắc và các nguyên liệu kích thích khứu giác, vị giác. Sử dụng nguyên liệu có màu cầu vồng giúp bé thấy món ăn của mình ngon mắt hơn. Hành, tỏi, lá gia vị là những nguyên liệu vừa tốt cho sức khỏe vừa tạo mùi thơm hấp dẫn khiến bé có cảm giác thèm ăn cũng như tăng thêm vị ngon cho món ăn.


Nui rau củ sốt phô mai, sử dụng hành tây vừa là nguồn cung cấp chất xơ vừa giúp dậy mùi thơm của món ăn. 
 
- Mẹo 10: Cắt, tỉa thức ăn, trái cây thành những hình thù ngộ nghĩnh. 
[Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 4]
Bữa sáng với khoai lang hấp hình ô tô, ngôi sao, đám mây, nho và sữa đậu nành (sữa tươi).

[Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 5]
Những khuôn cắt tỉa như thế này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho mẹ rất nhiều.

- Mẹo 11: Món ăn theo chủ đề: mẹ có thể hỏi bé xem bé muốn ăn bữa sáng theo chủ đề như thế nào và sáng tạo bữa ăn theo chủ đề mà bé muốn. Cũng có thể đố bé chủ đề của bữa ăn là gì và chỉ giải đáp xem bé đúng hay sai sau khi ăn ít nhất 3 miếng của bữa sáng. 

Bữa sáng với chủ đề: Khung cửa sổ mặt trời. 

- Mẹo 12: Bữa sáng bé có thể giải quyết nhanh gọn hoặc có thể để dành một nửa để mang đến trường. 

Bữa sáng với sinh tố và một chiếc bánh ngũ cốc (như hình) hoặc bánh quy, bánh gạo là một bữa sáng bé có thể giải quyết siêu nhanh, đặc biệt khi bé được ưu tiên có tận 2 chiếc ống hút.
 
Không phải lúc nào cũng bắt bé ăn sáng ở nhà, hãy dành một buổi sáng để cả nhà cùng nhau ra ngoài ăn sáng và thưởng thức không khí sáng sớm tại một nơi khác với nhà mình. Mẹ chỉ cần chú ý chọn địa điểm ăn sáng hợp vệ sinh là được. 

Chúc các mẹ và các con thành công! 

+ Xem thêm:

MẸO ĐƠN GIẢN TRỊ BIẾNG ĂN Ở TRẺ


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: