Bé Bú Mẹ Tăng cân Bao Nhiêu Một Tháng

  7300

Cân nặng chuẩn của trẻ bú mẹ và cân nặng nên tăng mỗi tháng của bé sơ sinh mẹ nào cũng phải biết

Cân nặng của bé bú mẹ là một trong những dấu hiệu cho biết mẹ có đủ sữa cho con bú hay không. Những mẹ mới sinh con là những người ghen tị với nhau khi nhìn cái cân. Tuy chuyện cân nặng của con không phải là thước đo cho thấy bạn có làm mẹ tốt hay không nhưng việc con tăng cân có thể trở thành phần thưởng cho những mẹ ngày đêm cho con bú, đặc biệt là bởi vì bầu sữa của mẹ không có chỉ số ml để mẹ biết được mình sản xuất bao nhiêu sữa

Bé bú mẹ và bé bú sữa công thức (sct) phát triển ở các mức khác nhau. Nhìn chung, bé bú mẹ có xu hướng gầy hơn (có nghĩa là tốt hơn), đặc biệt là trong thời gian lâu dài. Dưới đây là thông tin về việc tăng cân của bé bú mẹ trong năm đầu tiên:

• Bé tăng từ 112g đến 200g mỗi tuần trong tháng đầu tiên

• Trung bình tăng từ nửa ký đến một ký mỗi tháng trong sáu tháng đầu tiên

• Trung bình tăng nửa ký một tháng từ sáu tháng cho tới một tuổi

• Bé thường dài (cao) khoảng 2.5cm (1 inch) trong sáu tháng đầu và khoảng 1.25cm (1/2 inch) từ sáu tháng cho tới một tuổi.

Năm 1992, Tiến sĩ Katherine Dewey thuộc trường đại học California tại Davis đã tiến hành một nghiên cứu so sánh các hình thức phát triển của các bé bú mẹ và bú sữa công thức khỏe mạnh bình thường. Kết quả cho thấy:

• Trẻ bú mẹ và bú sct căn bản phát triển theo tỉ lệ tương tự nhau trong vài tháng đầu

• Từ bốn đến sáu tháng, bé bú sct có xu hướng tăng cân nhanh hơn bé bú mẹ, mặc dù chiều dài và vòng đầu ở hai nhóm giống nhau.

• Sau sáu tháng, bé bú mẹ có xu hướng gầy hơn một chút. So với bé bú sct thì bé bú mẹ trong nghiên cứu này nặng ít hơn trung bình là 1 pound (tức khoảng 450g) trong 12 tháng đầu tiên

Số cân nặng vượt trội của bé bú sct được cho rằng là do lượng nước tích trữ trong cơ thể và thành phần cấu tạo mỡ trong cơ thể khác với bé bú mẹ. Các nhà nghiên cứu kết luận rằng cần phải đưa ra các biểu đồ tăng trưởng khác để đánh giá các mức phát triển khác của các bé bú mẹ phát triển bình thường và khỏe mạnh.

Thay đổi trong các mức độ tăng cân của bé

Cân nặng của bé được quyết định không chỉ ở chế độ ăn uống, đó là lý do giải thích thay đổi trong việc tăng cân của trẻ sơ sinh.Ví dụ, nhiều bé có tạng người khác nhau do mức hấp thụ dinh dưỡng khác nhau có tính di truyền, và vì thế tiêu hao năng lượng cũng khác nhau.

• Các bé dài và gầy (gọi là các bé “trái chuối”) là các bé tiêu hao năng lượng nhanh, cơ thể các bé này đốt cháy calories nhanh hơn các bạn “trái táo” và “trái lê” của mình. Các bé “trái chuối” thường có chỉ số về chiều dài trên mức chiều dài trung bình và có cân nặng dưới mức cân nặng trung bình trong biểu đồ tăng trưởng.

• Trong khi đó các bé thuộc tạng người trái táo và trái lê thì nằm ở vị trí ngược lại trong biểu đồ tăng trưởng, tức là cân nặng phát triển nhanh hơn chiều dài. Tất cả các mức phát triển này đều bình thường.

Tính cách cũng ảnh hưởng đến việc tăng cân

• Các bé trầm tính và hay nằm có xu hướng tiêu thụ năng lượng ít hơn và vì thế tăng cân nhanh hơn

• Các bé hiếu động thường tiêu hao năng lượng nhanh hơn và vì thế gầy hơn.

Mức độ thường xuyên của việc bú mẹ ảnh hưởng đến việc tăng trưởng của bé

• Các bé được bú mẹ theo nhu cầu và không giới hạn về cữ bú có xu hướng phát triển nhanh hơn.

• Các bé sơ sinh ngủ gần mẹ và được hưởng chế độ bú đêm không giới hạn thường phát triển nhanh hơn.

• Bé nào là sản phẩm của việc “huấn luyện trẻ” (theo các chương trình nuôi dạy con mà các bé được cho bú theo thời khóa biểu và bị bắt buộc ngủ xuyên đêm áp dụng biện pháp “cry-it-out” tức là để mặc cho khóc) thường phát triển chậm hơn. Trẻ bú mẹ theo lịch bú nghiêm ngặt không chỉ có xu hướng bú ít hơn mà lượng sữa mẹ bé được bú sẽ có lượng chất béo và năng lượng ít hơn do thời gian dài giữa các cữ bú dài hơn.

Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy trẻ sơ sinh bú mẹ tiêu thụ ít calories và lượng sữa ít hơn trẻ sơ sinh bú sữa công thức. Điều đó không có nghĩa là mẹ của các bé sản xuất không đủ sữa, mà là một dấu hiệu cho thấy khả năng diệu kỳ của trẻ sơ sinh trong việc tự điều chỉnh lượng calorie theo nhu cầu của bản thân. Khả năng này giúp trẻ quyết định bao nhiêu sữa trẻ cần, và có lẽ đây cũng là một trong những lý do trẻ bú mẹ ít có xu hướng gặp vấn đề về béo phì sau này.

Nguồn: Dr Sears


Nguồn bài viết: sưu tầm
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: