Mẹ đừng quá lo lắng khi thấy bé bị vàng da, bởi thông thường đây là hiện tượng không có gì đáng lo, hầu hết trẻ sơ sinh đều gặp phải. Nhưng mẹ cũng tuyệt đối không được lơ là vì có những trường hợp vàng da có thể gây nguy hiểm cho bé.
Khi tôi sinh con được khoảng 3 ngày, bé vẫn bú bình thường nhưng da có vẻ hơi sậm màu hơn lúc đẻ. Tôi chưa bận tậm lắm, chỉ nghĩ là da trẻ sơ sinh lúc này hay đỏ mà thôi. Thế rồi 2 ngày sau, tôi thấy da con vàng hơn, nhất là khuôn mặt vàng rất rõ so với ngực và bụng. Lần đầu sinh con nên tôi không khỏi lo lắng, lại sợ con mình bị gan vì tôi chỉ biết là bị gan da mới vàng thế.
Tôi vội vàng gọi mẹ chồng hỏi xem cháu làm sao, bà thấy tôi hoảng hốt vậy thì không khỏi buồn cười, trách tôi cái tội không tìm hiểu gì cả. Bà nói đây là hiện tượng vàng da sơ sinh, đứa trẻ nào cũng vậy. Lúc ấy tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Sau đó tìm hiểu mới biết hiện tượng này là do có quá nhiều bilirubin trong máu, trẻ sơ sinh lượng hồng cầu trong máu cao hơn nhiều với người bình thường, sau khi sinh lượng hồng cầu thừa vỡ giải phóng bilirubin, nên có hiện tượng vàng da. Chỉ cần theo dõi trẻ vẫn ngoan và bú tốt là được. Vậy là yên tâm để tiếp tục chăm con…
Nhưng cũng vừa hết lo chuyện vàng da thì nỗi lo khác lại đến. Theo hướng dẫn của bác sĩ, tôi không để con ở phòng tối mà mỗi sáng thường tắm nắng cho con, vậy mà đã 20 ngày da con tôi vẫn vàng dù cháu vẫn bú tốt, đi tiểu bình thường và không quấy khóc. Đến lúc này mẹ chồng tôi cũng lo lắm. Thế là hai mẹ con, bà cháu dắt nhau đi khám. Thật may mắn bác sĩ bảo con tôi không bị sao, chỉ là hiện tượng vàng da kéo dài hơn, nhưng điều này hoàn toàn không đáng lo. Chỉ cần tiếp tục duy trì tắm nắng buổi sớm cho trẻ vào lúc nắng nhẹ tầm 7h30p đến 8h, tăng cường cho bú để nhanh đào thải bilirubin qua nước tiểu là được. Trong thời gian này cũng không nên sử dụng bất kì loại thuốc hay nước gì cả. Ngoài ra bác sĩ còn dặn tôi phải theo dõi các vùng da khác, xem vàng da có lan ra hay có dấu hiệu gì bất thường thì phải đưa cháu đến khám lại.
Vậy là sau chuyến đi khám tôi có kha khá kinh ngiệm về chuyện vàng da. Không phải vàng da nào cũng an toàn. Con tôi đã vàng da 20 ngày nên vẫn phải theo dõi cháu rất kĩ vì vẫn sợ vàng da nhân, một loại vàng da cực kì nguy hiểm ở trẻ sơ sinh. Thường thì vàng da trên 14 ngày đều cần quan tâm nên tôi được dặn dò cẩn thận lắm. Trẻ có biểu hiện của vàng da nhân sẽ vàng lan xuống bụng, chi, vàng sậm. Trẻ bỏ bú, hay quấy khóc, co gồng người. Nguy hiểm hơn, vàng da nhân để lại di chứng ở não cùng nguy cơ tử vong rất cao. Để quan sát vàng da phải để trẻ dưới ánh sáng tự nhiên mới chính xác. Và ngoài phơi nắng thì có thể áp dụng chiếu đèn cho trẻ, vì mùa đông có thể không có nắng cả tuần liền.
Chúng ta có thể dùng đèn vàng để chiếu cho trẻ, nhưng phải để cách xa không gây nóng và mất nước qua da bé. Mẹ cũng đừng quên tăng cường cho trẻ bú nhé! Tôi đã cho con bú rất nhiều, vì sợ cháu no nên tôi cho bú nhiều bữa nhỏ. Đêm nếu con ngủ say tôi thường phải hẹn giờ gọi cháu dậy cho bú. Và thật mừng vì các ngày tiếp theo hiện tượng vàng da đã ngày một giảm dần, con vẫn ngoan và bú tốt. Tôi còn kiểm tra bằng cách ấn nhẹ ngón trỏ vào trán cháu để xem vàng da trên vết lõm nữa, vì đôi khi vàng không rõ khi quan sát trên da bình thường, khi ấn vậy vùng da lõm sẽ vàng rõ hơn.
Cứ như vậy, đến ngày thứ 20 thì con tôi hết hoàn toàn vàng da. Tôi muốn mách nhỏ với các mẹ thêm một điều, là chính chế độ ăn nhiều caroten cũng có thể khiến da của trẻ bị vàng. Thế nên khi thấy con mình vàng da các mẹ hãy để ý cả chế độ ăn của mình nữa nhé. Đừng quá lo lắng, hãy bình tĩnh để theo dõi, thấy dấu hiệu bất thường hãy báo ngay cho cán bộ y tế để đảm bảo an toàn cho con.
+ Xem thêm:
CÁHC TẮM NẮNG CHUẨN NHẤT CHO TRẺ SƠ SINH MẸ CẦN BIẾT
TRẺ SƠ SINH BỊ SÔI BỤNG CÓ CẦN ĐI BÁC SĨ