Bà Bầu Bị Trĩ Phải Làm Sao

  3700

Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai rất khó điều trị, vì dễ gây ra những cơn gò tử cung có thể ảnh hưởng đến thai nhi.

Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Văn Hậu - BV Minh Anh TP.HCM, có 35-40% thai phụ bị trĩ. Nhiều trường hợp bệnh trĩ nặng khiến việc điều trị rơi vào khó khăn, ảnh hưởng tới sự an toàn của thai nhi.

Khó “đổ rác”

Thức ăn sau quá trình tiêu hóa, hấp thu, phần còn lại được cơ thể coi là “rác” phải đổ bỏ mỗi ngày để cơ thể khỏe, không nhiễm bệnh. Song thời gian mang thai lại có nhiều nguyên nhân khiến cho bà bầu không thể “xuất hàng” mỗi ngày. Nội tiết tố nữ thay đổi làm nhu động ruột đi với vận tốc “chậm dần đều” gây táo bón. Tỷ lệ táo bón trên phụ nữ có thai chiếm tỷ lệ 20% tức là cứ năm người thì có một người “buổi sáng không vui”. Thai to chèn ép hệ thống mạch máu vùng chậu, mạch máu vùng hậu môn cũng tạo điều kiện cho búi trĩ ngày càng to hơn.

Hai yếu tố nêu trên đã “mở cửa” cho trĩ “ló dạng” vào ba tháng cuối thai kỳ. Tỷ lệ bà bầu bị trĩ thời gian này lên đến 35-40%, tức cứ 10 người có khoảng ba người chịu nỗi đau khó tỏ cùng ai. Ngoài việc gây lo lắng khi không thể “thải rác” mỗi ngày, bà bầu còn bị các biến chứng của trĩ làm cho lo sợ, hoảng loạn như: tiêu ra máu, đau do trĩ tắc mạch, sa hậu môn sau đại tiện. Trong đó trĩ tắc mạch thường xảy ra vào tam cá nguyệt cuối hoặc ngay sau khi sinh.

Buộc trĩ đứng xa

Bệnh trĩ ở phụ nữ mang thai rất khó điều trị, vì dễ gây ra những cơn gò tử cung có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Việc điều trị phải thỏa các điều kiện: ngăn ngừa không cho xảy ra biến chứng: chảy máu, đau do trĩ tắc mạch. Khó hơn nữa là điều trị khi có biến chứng bởi phải chọn thuốc không ảnh hưởng đến thai nhi. Vấn đề chọn lựa giữa sinh thường hay sinh mổ cũng cần đặt ra. Do bệnh gây khó khăn nhiều, vì vậy, thai phụ cần lưu ý khi bị bệnh:

- Luyện thói quen “thải rác”: Một số trường hợp do lười vận động, ăn ít rau và không đi đại tiện mỗi ngày nên trĩ có cơ hội xuất đầu lộ diện. BS Nguyễn Văn Hậu hướng dẫn: Tập phản xạ đại tiện mỗi ngày bằng cách uống 300 - 500ml sữa tươi không béo, không đường pha thêm 10 đến 20ml dầu dừa; chọn thời điểm uống sáng sớm - trưa - chiều tùy vào thói quen “đổ rác”. Cần chọn điều kiện thoải mái về mặt thời gian cho việc đi đại tiện. Thông thường sau uống sữa tươi và dầu dừa 20 phút đến một tiếng đồng hồ, bạn sẽ có nhu cầu tìm đến nhà vệ sinh.

- Dùng chất xơ: Y học chứng cứ đã chứng minh, với trĩ độ 1 không biến chứng, chỉ cần tăng cường chất xơ trong sáu tháng thì sẽ khỏi bệnh. Chất xơ có trong rau, củ, quả, cần ăn tối thiểu 35g/ngày (tương đương ba trái chuối, ba trái cà chua và một đĩa rau). Trong các loại rau, nếu dùng được rau diếp cá sẽ rất tốt, vì ngoài tính năng bổ xung chất xơ còn có tính năng làm bền thành mạch, làm búi trĩ co nhỏ lại, ngừa chảy máu trĩ. Tuy nhiên, có một số người bị đầy bụng sau khi dùng rau diếp cá.

- Dùng bàn cầu có bộ phận nâng đỡ sàn chậu - hậu môn. Nguyên lý của dụng cụ này là nâng đỡ “cửa sau” và sàn chậu của sản phụ lúc đại tiện. Nhờ vậy, hậu môn và sàn chậu không sa xuống nhiều, tránh rách hậu môn, chảy máu. Đây là dụng cụ đã được thử nghiệm tại Mỹ.

Tỷ lệ trĩ có biến chứng tắc mạch ở phụ nữ mang thai là 10%. Xử trí khi gặp biến chứng đau do tắc mạch như sau: dùng nước muối ấm ưu trương nồng độ 50%, tương đương 20 ml nước ấm pha thêm hai muỗng cà phê muối, tẩm ướt miếng gạc, đắp lên cục trĩ sưng trong 30 phút, mỗi ngày nên đắp sáu lần. Nước muối ưu trương sẽ rút nước từ búi trĩ sưng, làm giảm sưng búi trĩ tắc mạch. Tuy nhiên, bạn cần đi khám BS chuyên khoa nếu tình trạng không cải thiện.

+ Xem thêm:

BÀ BẦU ỐM NGHÉN SẼ SINH CON THÔNG MINH HƠN

BÍ QUYẾT NGỪA RẠN DA KHI MANG THAI


Nguồn bài viết: phunuonline
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: