5 Thói Xấu Của Con Mẹ Cần Phải Uốn Nắn Ngay Từ Nhỏ

  9954

Trẻ nhỏ đang độ tuổi học ăn, học nói, học gói, học mở, bố mẹ phải hết sức chú ý đến từng hành động nhỏ của con.

Thích ngắt lời bố mẹ, mẹ nói lờ đi không thèm nghe...là những tính xấu mẹ cần dạy bảo con ngay.

Trẻ nhỏ đang độ tuổi học ăn, học nói, học gói, học mở, bố mẹ phải hết sức chú ý đến từng hành động nhỏ của con. Nếu không được uốn nắn kịp thời, trẻ khi lớn lên  sẽ rất khó để dạy bảo đúng mực và thành người cư xử lễ độ.

Ngắt lời bố mẹ

Tại sao phải “xử”: Bé có thể đang rất hào hứng muốn kể cho mẹ nghe hoặc hỏi mẹ điều gì đó, nhưng để con “đâm ngang” cuộc nói chuyện của mẹ với người khác sẽ khiến bé không biết cách tôn trọng mọi người và không thể tự lo cho bản thân khi mẹ đang bận. Để thói quen này lâu ngày ngấm vào người, bé sẽ tự cho mình quyền trở thành trung tâm của sự chú ý và mất tính kiên nhẫn.

“Xử” thế nào: Khi bạn đang định gọi điện thoại hay chuẩn bị đi thăm ai đó, hãy yêu cầu con giữ trật tự và không làm phiền mẹ. Hãy giao cho bé một nhiệm vụ khác như chơi với món đồ chơi bé yêu thích hay tập vẽ một bức tranh. Nếu bé cứ nhất định bám chặt lấy mẹ, hãy chỉ cho bé một chiếc ghế và yêu cầu bé ngồi đó, giữ trật tự cho đến khi mẹ xong việc, để bé biết rằng bé không thể đạt được thứ bé muốn nếu cứ tiếp tục làm mẹ bị ngắt quãng.

Để con “đâm ngang” cuộc nói chuyện của mẹ với người khác sẽ khiến bé không biết cách tôn trọng mọi người và không thể tự lo cho bản thân khi mẹ đang bận. (Ảnh minh họa)

Chơi “xấu”

Tại sao phải “xử”: Không cần phải đợi đến lúc bé có những hành động cực kì bạo lực như đấm bạn, bạn cần phải ra tay ngay khi để ý thấy bé cấu em hoặc xô đẩy bạn khác. Nếu cha mẹ không can thiệp kịp thời, bé sẽ có quan niệm cho rằng làm tổn thương người khác là chuyện bình thường, chấp nhận được và mức độ bạo lực của bé sẽ ngày càng tăng dần theo độ tuổi.

“Xử” thế nào: Ngăn cản bé ngay khi thấy bé có hành động làm tổn thương người khác. Nói cho bé biết rằng làm người khác đau là việc không được phép làm. Lần sau, nếu bé còn tái phạm, hãy không cho phép bé tiếp tục chơi nữa và phải có hành động chịu phạt thích hợp.

Vờ như không nghe bố mẹ nói gì

Tại sao phải “xử”: Bạn giục con năm lần bảy lượt rồi mà bé vẫn chưa chịu thay quần áo hay cất dọn đống đồ chơi, nếu để tình trạng này kéo dài, bé sẽ có thái độ coi thường lời nói của mẹ, trở nên ngang bướng, ngỗ nghịch hơn và khó kiểm soát.

“Xử” như thế nào: Thay vì hò hét con như gọi đò, bạn cần lại gần bé và chỉ cho bé cụ thể phải làm việc như thế nào. Phương pháp đếm giờ cũng có vẻ hiệu quả với hầu hết các bé. Bạn có thể ra hẹn với con: “Mẹ đếm từ 1 đến 10 là con phải thay xong quần áo. Bắt đầu...1...2...” Ngoài ra, có thể đưa ra những hậu quả thích đáng cho việc trẻ dây dưa, trì hoãn như để mẹ nhắc đến lần thứ 2 là hôm đó không được xem TV nữa, để mẹ nhắc đến lần thứ 3 thì nghỉ xem TV cả ngày hôm sau luôn.

Phóng đại sự việc

Tại sao phải “xử”: Trẻ nhỏ đôi khi không nhận thức được những điều chúng nói và có thể “nói quá” sự việc lên. Tuy nhiên, bố mẹ phải chú ý ngăn chặn ngay nếu có dấu hiệu của dối trá trong lời nói, ví dụ như trẻ cố tình nói khác đi sự thật để không phải làm điều mà chúng không thích hay để trốn tránh tội lỗi mà trẻ trót gây ra.

“Xử” như thế nào: Tìm ra động cơ đằng sau lời nói dối của trẻ và bắt trẻ phải sửa lại. Cho trẻ biết rằng, nếu trẻ cứ tiếp tục không nói đúng sự thật, sẽ không có ai tin lời trẻ nói nữa. Mẹ có thể dẫn chứng câu chuyện “Cậu bé chăn cừu” để bé thấy tác hại của việc nói dối.

 

Bố mẹ phải chú ý ngăn chặn ngay nếu có dấu hiệu của dối trá trong lời nói của trẻ. (Ảnh minh họa)

“Tỏ thái độ”

Tại sao phải “xử”: Trẻ có thể bắt chước một số cử chỉ ngỗ ngược từ những trẻ lớn hơn như: trợn mắt, đảo mắt hay nói giọng cộc lốc. Nếu bố mẹ không uốn nắn kịp thời, bé sẽ hình thành thói xấu là có thái độ thiếu tôn trọng, lễ phép với người khác

“Xử” như thế nào: Giải thích cho bé hiểu những hành động nào là kì cục và không nên làm như “Khi con đảo mắt liên tục, nhìn con giống như là không thèm nghe mẹ nói gì hết.” hay “Mẹ không thể nghe rõ được khi con nói cái giọng đó. Khi nào con nói được bình thường thì mẹ sẽ nghe con nói.”

+ Xem thêm:

TUYỆT CHIÊU DẠY CON NGHE LỜI CỰC HAY CỦA MẸ MỸ

LÀM SAO ĐỂ DẠY CON NGHE LỜI


Nguồn bài viết: eva
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: