8 Lời Khuyên Của Chuyên Gia Giúp Trẻ Sơ Sinh Ngủ Ngoan

  4581

Những nhận định và lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia hàng đầu thế giới sẽ phần nào giúp người mẹ kiểm soát và rèn trẻ sơ sinh ngủ ngoan hơn.

Những nhận định và lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia hàng đầu thế giới sẽ phần nào giúp người mẹ kiểm soát và rèn trẻ sơ sinh ngủ ngoan hơn.

Một trong những lo ngại phổ biến nhất của những người mới làm cha mẹ, đó là thói quen ngủ của bé. Trẻ sơ sinh thường không chìm vào giấc ngủ ngon suốt đêm, rất nhiều bé cứ một vài tiếng lại thức giấc và thậm chí la hét, quấy khóc. Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi phần lớn thường gặp các vấn đề về giấc ngủ đêm như ngủ không sâu giấc hoặc giấc ngủ không dài, hay giật mình và tỉnh dậy giữa chừng. Tất cả những vấn đề này gây ảnh hưởng không nhỏ tới sự phát triển của em bé cũng như sức khỏe của người mẹ.

Rèn cho bé ngủ ngoan là một "nghệ thuật" đòi hỏi người mẹ sự kiên trì và cứng rắn (Ảnh minh họa).

Rèn trẻ sơ sinh ngủ ngoan là một "nghệ thuật", nếu muốn thành công không những đòi hỏi mẹ phải có bí kíp hay mà còn rất cần sự kiên trì, cứng rắn. Ở mốc 6 tháng, trẻ sơ sinh thường sẽ bắt đầu ngủ lâu hơn, nhưng mẹ cần nhớ rằng thói quen ngủ của mỗi bé có thể khác nhau, vì vậy mẹ đừng nản chí nếu các bé khác chìm vào giấc ngủ ngon trước bé nhà mình. Sớm muộn gì bé cũng làm được điều này mà thôi. Và các chuyên gia hàng đầu thế giới đã đưa ra danh sách một số lời khuyên hữu ích giúp mẹ và bé hợp tác tốt hơn đồng thời đưa ra những nhận định giúp người mẹ chủ động hơn trong quá trình rèn trẻ sơ sinh ngủ ngoan.

1. Học hỏi có chọn lọc, biết điều gì là tốt cho con của mình

Có một thực tế là rất nhiều cha mẹ tìm hiểu thông tin trên sách vở, trang mạng hay người thân, bạn bè về kinh nghiệm rèn con ngủ ngoan và áp dụng cho con của mình. Thế nhưng, chuyên gia về giấc ngủ, tiến sĩ James McKenna, Giám đốc Phòng nghiên cứu Hành vi ngủ mẹ - con tại Đại học Notre Dame (Mỹ) lại cho rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, cha mẹ không nên áp đặt bất cứ phương pháp nào nếu cảm thấy nó không thực sự phù hợp với con bạn. Mọi thứ đề có thể nới lỏng và điều chỉnh với từng đứa trẻ.

Mỗi đứa trẻ là một cá thể khác nhau, cha mẹ không nên áp đặt bất cứ phương pháp nào nếu cảm thấy nó không thực sự phù hợp với bé (Ảnh minh họa)

2. Đừng quá lo lắng giữa "Nên" và "Không nên"

Trong những tháng đầu, cha mẹ không cần quá lo lắng và đặt nặng vấn đề giữa việc nên và không làm với trẻ. Nhiệm vụ của cha mẹ vẫn là cho trẻ ăn và ngủ theo chu trình liên tục mà thôi. Riêng với những bé khó tính và hay quấy khóc thì giấc ngủ vẫn luôn là một thử thách, còn cha mẹ vẫn làm những việc cần phải làm để cho con ngủ.

3. Cứ để trẻ ngủ theo cách mà trẻ muốn

Chuyên gia James McKenna cho biết: "Với tư cách là một chuyên gia, huấn luyện viên trong lĩnh vực giấc ngủ con người, tôi luôn nói với các bậc cha mẹ của mình rằng hãy cứ để trẻ được ngủ theo cách mà bé muốn, kể cả là khi phải bế đu đưa hay phải nằm trên xe đẩy. Theo tôi không có khái niệm thói quen ngủ xấu, nếu trẻ cứ phải được bú mới ngủ, hay phải ngậm ti giả, hay phải ngủ cùng ai đó thì cha mẹ hãy để trẻ được thỏa mãn. Bởi người lớn cũng vậy thôi, rất nhiều người cần phải có một thứ gì đó để giúp thư giãn và dễ ngủ hơn thì tại sao lại tước mất quyền đó của con trẻ".

4. Nếu trẻ thức dậy nhiều lần trong đêm, điều đó chẳng sao hết!

Trẻ sơ sinh có 2 trạng thái ngủ là ngủ tĩnh và ngủ động, chu kì giấc ngủ chỉ kéo dài 50-60 phút. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng giấc ngủ động có thể giúp phòng tránh hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS). Và thật may là hầu hết các bé đều có giấc ngủ động trong khoảng từ 2-6 giờ sáng. Trong thời gian này, các bé có xu hướng tỉnh giấc nhiều hơn, đặc biệt khi đói, lạnh, bị ướt hay giật mình. Có một lý do sinh học cho việc thức giấc đó là để sống sót, để phát triển, trẻ cần ăn và do đó việc thức dậy để ăn là điều tất nhiên.

5. Không cần vội vàng tách trẻ ngủ riêng

Một nghiên cứu của trường Đại học Harvard chỉ ra rằng bố mẹ và bé ngủ cùng phòng trong 6 tháng đầu sau sinh giúp làm giảm nguy cơ đột tử SIDS. Thậm chí ngủ cùng phòng với bé cũng giúp cha mẹ hạn chế thời gian đi lại và công sức để dỗ dành bé mỗi khi bé thức giấc giữa đêm mà bé lại có được sự gần gũi, thân thuộc bên bố mẹ của mình. Trước khi để một đứa trẻ ngủ độc lập, cha mẹ hãy gần gũi và gắn bó với bé. Em bé cần sự gần gũi về thể xác, cảm nhận được cha mẹ mình qua mùi hương, thị giác và âm thanh. Bé cũng cần được đáp ứng các nhu cầu tình cảm, vào khung giờ đặc biệt này trong ngày.

Bé ngủ cùng phòng với bố mẹ trong 6 tháng đầu sau sinh giúp làm giảm nguy cơ đột tử SIDS, tăng mối liên kết tình cảm với cha mẹ (Ảnh minh họa)

6. Tránh các hoạt động gây kích thích quá mức trước giờ đi ngủ

Trước khung giờ chuẩn bị đi ngủ của trẻ, cha mẹ nên tránh các hoạt động gây kích thích quá mức có thể gây ảnh hưởng tới giấc ngủ. Ví dụ như cho trẻ đi chơi trước giờ ngủ hay bố mẹ vui đùa gây phấn khích cho bé, đây không phải một ý tưởng hay vì hoạt động này sẽ làm trẻ bị phấn khích và càng khiến bé khó ngủ. Cách tốt nhất cho giấc ngủ của bé chính là để bé nghỉ ngơi, giảm mọi hoạt động xung quanh và giảm ánh sáng đèn.

7. Đảm bảo không gian ngủ của bé

Trẻ sơ sinh thường khá nhạy cảm với các yếu tố bên ngoài. Nếu quá nóng hay quá lạnh, bé sẽ khó ngủ hoặc không ngủ được. Nếu phòng có mùi hương nồng của sơn, nước lau sàn hay mùi xả vải, giấc ngủ của bé cũng có thể bị gián đoạn. Nếu mẹ bật đèn ngủ để thay tã, bé có thể không muốn ngủ lại. Vì vậy cha mẹ hãy kiểm tra lại nhiệt độ, độ ẩm phòng ngủ, loại bỏ mùi hương có thể là nguyên nhân khiến bé khó chịu, ngứa ngáy. Giảm tiếng ồn xung quanh, hoặc mẹ có thể sử dụng tiếng ồn trắng để giúp bé dễ ngủ hơn.

8. Ngủ trên xe đẩy cũng không phải là một ý tưởng tồi

Chuyên gia James McKenna cho biết hầu hết các bé dưới 6 tháng tuổi mà ông từng tiếp xúc cần có ít nhất một giấc ngủ ngắn di động mỗi ngày. Tức là ngoài giường ngủ, cũi trong phòng ngủ cố định thì bé có thể ngủ ngay trên xe đẩy, trên ô tô trong lúc di chuyển.

Lỗi Ba Mẹ Thường Mắc Phải Khi Cho Bé Ngủ

Cách Chữa Giật Mình Ở Trẻ Nhỏ Để Bé Ngủ Ngon Giấc Cả Đêm

6 Lỗi Ba Mẹ Thường Mắc Phải Khi Cho Bé Ngủ


Nguồn bài viết: afamily
Chia sẻ cảm nghĩ của bạn về bài viết này: